Câu chuyện của 200 năm về trước (đầu thế kỷ 19), tại vùng quê yên bình, lặng lẽ khép mình bên dòng sông Cẩm Lệ. Nơi đó, có một người phụ nữ nghèo hiền lành dòng họ Huỳnh Đức, người đã tần tảo gánh vác, chăm sóc gia đình để chồng con toàn tâm đèn sách. Năm đó, Triều đình Huế mở hội khoa thi. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, đường lên Kinh lại xa xôi hiểm trở, lộ phí phòng thân thì thiếu thốn trăm bề. Với tấm lòng thương yêu vô hạn, xót xa khi nghĩ đến cảnh chồng con phải chịu đói rét trên đường về Kinh. Bà đã nghĩ đến việc làm nên một món ăn thật ngon từ các sản vật của địa phương, mang hương vị đặc trưng của quê hương và có thể để dành được lâu. Đó chính là khởi nguyên của chiếc bánh khô mè.
Sau đó, chiếc bánh khô mè theo chân người chồng đến tay các quan viên và sỹ tử ở kinh thành Huế, họ dùng thử và đều bị chinh phục trước tấm chân tình cũng như cái hương vị độc đáo, thơm ngon trọn vị của nó. Có vị đại quan, sau khi thưởng thức bánh khô mè đã hết lời khen ngợi rằng “Đây chính là loại bánh xưa nay hiếm, thật xứng tầm “đệ nhất danh bính”, nhìn tuy mộc mạc nhưng khi ăn vào thì lại “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách” đó chính là “Thị giác, khứu giác, vị giác, cảm giác, thính giác”
1- Mắt nhìn nhiều màu: trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng.
2 – Mũi ngửi được nhiều mùi: mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng .
3 – Lưỡi nếm lắm vị: ngọt của đường, bùi của bột nếp, béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế.
4 – Miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, giòn .
5 – Tai nghe âm vỡ rào rạo của bánh.
Chiếc bánh được mang trong mình chất vị quê hương có cái phù sa của đất, của nước, hương nắng gió của trời, quyện cùng sự tần tảo, chịu thương chịu khó của miền quê xứ Quảng Đà. Bánh khô mè – chiếc bánh mộc mạc nhưng gói gắm trọn vẹn nghĩa tình, thủy chung, niềm tự hào đơn sơ nhưng vô cùng trân quý của con người Đà Nẵng.
Sản phẩm quà tặng mỗi khi du khách đến nơi này, của những người con xa xứ khi xa quê hương. Niềm tự hào của địa phương mang dáng vấp đặc trưng của người con xứ Quảng Đà “chịu thương, chịu khó, dãi nắng dầm mưa”, “chân phương, chất phát, bình dị và cũng thật thân thiện, hiền hòa, mến khách đến lạ lùng” hình ảnh đó đã gửi hồn trong chiếc bánh. Điều đặc biệt, chiếc bánh được làm từ các nguyên liệu mộc mạc bình dân như: gạo, nếp, mè, gừng, quế và đường. Với quy trình “5S: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” cộng với sự tận tâm của người làm bánh, đầu tiên: Gạo vo sạch để thật ráo rồi cho vào cối giã (xay) thành bột mịn – Cho nước vừa đủ nhào kỹ, xong cho vào nồi hấp chín – Chờ nồi bột chín, sẽ chuẩn bị vỉ lót và khuôn đúc bánh với những ô hình vuông đều nhau, có độ lớn bằng hai hoặc ba ngón tay – Bột vừa chín đổ vào khuôn gạt mặt cho thật bằng phẳng – Tháo khuôn, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp nướng bằng than hoa lần thứ nhất – Hơi lửa than hoa chỉ vừa đủ nóng để lát bánh được nướng chầm chậm cho khô đều hai mặt – Khi chiếc bánh trần đã khô đều sẽ lại được đặt lên bếp than hoa lần thứ hai để nướng giòn, dậy lên mùi thơm ngào ngạt của gạo và nếp – Tiếp theo là nấu đường (thắng đường) cho đến khi đường sánh đều, keo đặc, dẻo quánh thành thành những sợi tơ không dứt – Mè được tróc vỏ, rang giòn, vàng óng, thơm thật thơm – Bưng nồi đường đặt trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh trần trắng thơm nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè. Và thế là hàng trăm, hàng nghìn chiếc bánh khô mè được ra đời
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.